4 Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc là hoạt động chỉ ra chính xác một sự kiện trong chuỗi cung ứng theo đó xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (WHAT), đang diễn ra ở đâu (WHERE), tại thời điểm nào (WHEN), ai đang thực hiện (WHO) và lý do sự kiện đó diễn ra (WHY). Sự kiện này sẽ gắn với trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng, và quan trọng nhất là đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.
- Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
- Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
- Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức. Bên tham gia truy xuất trong hệ thống có thể gồm:
+Bộ phận quản lý chất lượng và an toàn:
+Bộ phận pháp chế liên quan đến các yêu cầu của pháp lý và tổ chức;
+Bộ phận quan hệ khách hàng mà cần chia sẻ thông tin liên quan;
+Bộ phận được giao nhiệm vụ chống giả, bảo mật chuỗi cung ứng hoặc bảo vệ thương hiệu;
+Bộ phận chịu trách nhiệm xã hội chuyên về các vấn đề đạo đức và môi trường;
+Bộ phận quản lý vòng đời sản phẩm;
+Bộ phận chịu trách nhiệm vận tải và logistic;
+Bộ phận quản lý và phát triển hệ thống.
Tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng phải kết nối một cách có hệ thống với dòng thông tin về sản phẩm. Sự kết nội trong chuỗi cung ứng này được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:
Trên cơ sở các tiêu chuẩn và quy định về truy xuất nguồn gốc đã đề cập, có thể thấy đối với từng vai trò của các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thì các đối tượng cần được thu thập thông tin bao gồm:
- Vùng trồng: nông dân, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…;
- Đơn vị sơ chế/chế biến: công nhân, vật liệu đóng gói, băng truyền …;
- Đơn vị vận chuyển: lái xe, container, pallet …;
- Đơn vị logistics: vận đơn, pallet, container …;
- Đơn vị phân phối/kho tổng: pallet, phòng lưu, kho bãi …;
- Đơn vị bán lẻ: kệ hàng, gian hàng, kho chứa …;
- Người tiêu dùng (tùy chọn);
- Cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp giải pháp: là đối tượng không tham gia hoạt động trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhưng cũng tham gia trao đổi và thu thập các thông tin truy xuất nguồn gốc.