Qua quá trình khảo sát nhận thức/hiểu biết về Truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người Việt, có thể thấy rằng, không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tại thị trường Việt Nam thường nhầm lẫn hai khái niệm “xuất xứ” và “nguồn gốc” là giống nhau. 

Và trên thị trường hiện nay, hầu hết tất cả các giải pháp Truy xuất nguồn gốc đều chỉ tập trung vào cung cấp thông tin truy xuất về “xuất xứ” (tức là nơi sản xuất của sản phẩm) mà không làm rõ được thông tin “nguồn gốc” (tức là quá trình sản xuất ra sản phẩm).

Vậy trước hết ta cần phải hiểu: Thế nào là “xuất xứ” và “nguồn gốc” của sản phẩm?

  • Xuất xứ hàng hóa: là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. (Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP)
“Thông tin Công ty” là xuất xứ của sản phẩm
  • Nguồn gốc hàng hoá: là quá trình sản xuất bao gồm từng công đoạn cụ thể từ nghiên cứu/tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến cho đến khâu kiểm nghiệm và đưa ra thị trường tiêu dùng hay còn gọi là nhật ký sản xuất của sản phẩm. 
  • “Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối” (theo Codex Alimentarius) 
“Truy xuất nguồn gốc” là nguồn gốc của sản phẩm
Nhu cầu Truy xuất nguồn gốc – xuất xứ của người Việt?

Hiện nay, quá trình truy xuất nguồn gốc tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin xuất xứ của sản phẩm, thông tin người tiêu dùng nhận được khi thao tác quét mã QR được dán trên bao bì sản phẩm là nơi sản xuất sản phẩm (thông tin xuất xứ). 

Theo Điều 3 “Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm” (Thông tư 25/2019/TT-BYT), việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm. Nghĩa là một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc hợp lệ phải vừa đáp ứng cung cấp thông tin “xuất xứ” vừa đáp ứng truy xuất thông tin “nguồn gốc” của sản phẩm.

Nhu cầu của người tiêu dùng 

Theo khảo sát về nhu cầu của người tiêu dùng, trước thực trạng tem dán trên bao bì sản phẩm hoàn toàn có thể làm giả, họ mong muốn sẽ theo dõi được toàn bộ quá trình sản xuất một sản phẩm khi tra cứu thông tin với tem QR được in trên bao bì.

Nhu cầu của người tiêu dùng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Để an tâm lựa chọn sản phẩm chính hãng đạt chất lượng cao, người tiêu dùng cần được đảm bảo thông tin sản phẩm sẽ được được cung cấp chi tiết bởi các đơn vị trong hệ thống sản xuất bao gồm: mô tả quá trình, thời gian thực hiện, người thực hiện, phương pháp thực hiện. Từ đó, hạn chế khả năng mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường tiêu dùng.

Nhu cầu đối với nhà cung cấp sản phẩm

Bên cạnh xuất xứ của sản phẩm, việc cung cấp toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm ra thị trường tiêu dùng cũng là một cách để nhà cung cấp có thể khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, tạo cơ sở dữ liệu để đánh giá và kiểm định từ nhà nước. Từ đó, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường tiêu dùng đặt ra, giúp nâng cao uy tín và bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. 

Nhờ vào thông tin truy xuất nguồn gốc, nhà cung cấp cũng dễ dàng quản lý được sản phẩm của mình trong quá trình chuyển giao giữa các đơn vị trong hệ thống hay quá trình phân phối đến các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ. Đồng thời hạn chế được nhiễu loạn hay trùng lặp thông tin trong quá trình nhập dữ liệu thủ công. 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chuỗi cung ứng, giám sát và quản lý kho hiệu quả đồng thời phòng chống vấn nạn hàng giả hàng nhái trên thị trường hiện nay. Trung tâm Tin học và Công nghệ (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đang triển khai giải pháp dán tem truy xuất, tem xác thực sản phẩm chính hãng QR Code trong thương mại điện tử tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/.

Doanh nghiệp có thể liên hệ ngay để được hỗ trợ: 

Điện thoại: (024) 22202398

Email: info@truyxuat.gov.vn 

Hoặc để lại thông tin tại form: https://truyxuat.gov.vn/ls/lien-he-c31.html