Tăng cường truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Công cụ quản lý, kiểm soát hàng hóa hữu hiệu trên thị trường
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp. Người tiêu dùng trở nên tự tin hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cũng là công cụ giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.
Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh. Truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những yếu tố đột phá ngày càng trở nên quan trọng khi nhu cầu mình bạch thông tin và hàng hóa ngày càng được quan tâm.
Thậm chí, truy xuất nguồn gốc trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng. Cụ thể, truy xuất nguồn gốc đã mang lại những lợi ích như sau:
Đáp ứng nhu cầu của thị trường: Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu này, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường.
Tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn: Trong nhiều lĩnh vực, các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro và quản lý chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm ngặt hơn. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định này một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý.
Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn: Trong môi trường kinh doanh ngày nay, việc quản lý chuỗi cung ứng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Truy xuất nguồn gốc cho phép doanh nghiệp theo dõi các bước trong quá trình sản xuất và vận chuyển một cách chính xác, từ đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.
Tăng cường quản lý rủi ro: Việc có khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến vấn đề như an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và độ tin cậy của nhà cung cấp.
Tăng cường tương tác với khách hàng: Truy xuất nguồn gốc tạo ra cơ hội tương tác với khách hàng. Việc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm có thể tạo ra một môi trường tương tác tích cực giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tăng cường sự liên kết và trung thành với thương hiệu.
Cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia
Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang bị phân tán do chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Bên cạnh đó, tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến.
Có một thực tế là hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta hiện chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ.
Điều này dẫn đến thực trạng việc quản lý nguồn gốc khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, hiện nay, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai xây dựng “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia” theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.
Mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Muốn truy xuất nguồn gốc, chuỗi sản phẩm đó phải được tự động hình thành, nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì không hình thành được chuỗi đầy đủ.
Để có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau và theo chuẩn quốc tế, cần sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia, cũng như sớm ban hành Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa./.