Hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan… trên không gian mạng

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nở rộ tại Việt Nam, tạo thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng nhưng kéo theo đó, nạn hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp.Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp. Thậm chí, đơn vị này thường xuyên nhận được phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của doanh nghiệp bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok...

Truy xuất nguồn gốc để chống hàng giả
Lực lượng chức năng xử lý cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua sàn TMĐT Shopee ở Hà Nội.

Để xử lý vấn nạn này, tại nhiều địa phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã truy quét và triệt phá hàng loạt các vụ việc vi phạm và thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm. Thậm chí, nhiều vụ việc QLTT đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm.

Đơn cử như ngày 28/5 vừa qua, Tổng cục QLTT phát đi thông báo cho biết, lực lượng QLTT thành phố Hà Nội vừa phát hiện, xử lý đối với tài khoản mạng xã hội Zalo “Kho gia dụng Vũ Minh” và gian hàng “Bún Xinh” trên sàn TMĐT Shopee, khi giới thiệu hình ảnh, bán sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu bút bi Thiên Long.

Mở rộng điều tra, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã phát hiện, tạm giữ 5.635 sản phẩm bút bi, bút chì giả mạo nhãn hiệu Thiên Long đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngay sau đó, lực lượng QLTT tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính của Cơ sở kinh doanh với hành vi Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (cụ thể nội dung về địa điểm kinh doanh) với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Cung cấp thông tin, buôn bán hàng giả trên môi trường Internet theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ…

Trước đó, trong ngày 27/5, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và xử lý 2 đối tượng kinh doanh hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ. Cụ thể, ngày 14/5/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.T.H và hộ kinh doanh X.L.L đều có địa chỉ kinh doanh cố định tại phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Theo cơ quan chức năng, 2 hộ kinh doanh trên đã tạo lập và sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng hình ảnh các sản phẩm thời trang đang bày bán tại cửa hàng nhằm phục vụ mục đích giới thiệu, chào bán hàng hóa, trong đó có cả hình ảnh sản phẩm thời trang với thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, adidas, Gucci được chào bán với giá từ 200.000 - 400.000 đồng/sản phẩm.

Tiếp tục kiểm tra tại cửa hàng, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh có bày bán 208 sản phẩm áo quần, giày dép các loại giả mạo nhãn hiệu Calvin Klein, adidas, Gucci và gần 163 sản phẩm thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa gần 100 triệu đồng. Sau khi kiểm tra và xác minh vi phạm, lực lượng chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh vi phạm; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 220 triệu đồng…

Truy xuất nguồn gốc để giảm thiểu hàng giả, hàng nhái

Theo thông tin tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh khu vực phía Bắc lần thứ X, diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/5 vừa qua cho thấy, năm 2023 và quý I/2024 lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 74.719 vụ và phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 539 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng quý I/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2023, cơ quan chức năng đã gỡ bỏ/khóa hơn 6.000 gian hàng với hơn 23.000 sản phẩm vi phạm trên các nền tảng TMĐT… Để tăng cường các biện pháp chế tài, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách xử lý vi phạm với hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng như: Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT đã bổ sung, làm rõ trách nhiệm và bổ sung chế tài đối với vi phạm; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng đã bổ sung biện pháp xử lý (phạt tiền hoặc đình chỉ giấy phép hoạt động TMĐT) đối với các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet…

Mặc dù đã có các chế tài xử lý, tuy nhiên, dựa trên các số liệu từ cơ quan chức năng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm hàng giả, hàng nhái cho thấy, vấn nạn này đang có xu hướng tăng mạnh và việc xử phạt được người tiêu dùng ví như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nêu quan điểm về nội dung này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện, tuy nhiên khiếu nại vẫn gia tăng điều đó cho thấy việc sửa đổi luật chưa theo kịp được những diễn biến thực tế.

Theo ông Phú, để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bởi, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.