Doanh nghiệp lo tăng chi phí

Cụ thể, Thông tư 02 quy định: Hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Cách làm mới, yêu cầu cũ- Ảnh 1.
 

Hàng hóa phải áp dụng in ấn mã vạch mới theo chuẩn quốc gia từ ngày 1.6

Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - TCĐLCL), cho biết mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Cổng thông tin quốc gia sẽ đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN). Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, khảo sát của PV Thanh Niên đối với một số DN, việc áp dụng thông tư này còn khá mới và lạ lẫm, thậm chí nhiều người còn... chưa biết. Ông Đ.B.L, giám đốc một công ty phân bón tại TP.HCM, chia sẻ: "Thật ra trên thị trường cũng như trong khâu sản xuất hiện nay, các DN đều tuân thủ các luật chuyên ngành về tiêu chuẩn và chất lượng. Ví dụ như ngành dược hay phân bón đều có cơ quan chuyên trách, theo dõi rất chặt chẽ. Các tiêu chí mà Thông tư 02 yêu cầu thậm chí còn quá đơn giản. Chỉ với tiêu chuẩn HACCP thôi cũng phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu so với 10 điều cơ bản của Thông tư này. Như vậy các DN đã làm tốt, làm đầy đủ có cần thiết phải đăng ký, thực hiện lại các giai đoạn này với Bộ KH-CN hay không? Tôi khá băn khoăn và lo rằng sẽ xảy ra chồng chéo quản lý, tăng thêm chi phí cho DN trong bối cảnh đang phải cắt giảm nhân sự hiện nay".

Một DN khác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến cũng khẳng định: "DN thực phẩm hiện nay muốn sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng rất nhiều quy định của các cơ quan quản lý, các yêu cầu công bố thông tin trên bao bì sản phẩm cũng đã được thực hiện theo quy định hiện hành. Như vậy việc triển khai đăng ký lại với Cổng thông tin quốc gia có thể sẽ gây mất thời gian cho các DN đang hoạt động nghiêm chỉnh. Nên chăng các cơ quan quản lý cần chủ động tích hợp thông tin đã có sẵn, nếu DN đăng ký thì chỉ cần một mẫu khai báo đơn giản, bởi các yêu cầu này đã được cung cấp, được tổ chức chứng nhận hết rồi".

Đối với những băn khoăn này, đại diện Tổng cục TCĐLCL chia sẻ: "Đến nay, Tổng cục TCĐLCL đã chuẩn bị một số yếu tố để sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức cổng thông tin. Theo đó, hệ thống này được xây dựng dựa trên khung kiến trúc của Chính phủ điện tử, bảo đảm tính đồng bộ và có thể kết nối với các địa phương, cơ quan, DN. Hạ tầng mới của hệ thống cũng vừa được cập nhật, có thể hỗ trợ hơn 70.000 DN. Bên cạnh đó, Trung tâm mã số mã vạch quốc gia đã thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh/thành phố để bảo đảm tính sẵn sàng của hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc trong việc kết nối, đồng bộ với cổng thông tin. Ngoài ra, Trung tâm mã số mã vạch quốc gia cũng phối hợp với một số bộ, ngành để thực hiện việc kết nối hệ thống quản lý thông tin về truy xuất nguồn gốc của các ngành lĩnh vực có liên quan".

Khó áp dụng với sản phẩm tươi sống

Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa phân tích, hiện nay các mặt hàng chế biến, sản xuất công nghiệp từ các nhà máy đều được quản lý theo chuỗi khá bài bản. Khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, họ có thể truy ngược từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, bằng cách gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm…Vấn đề khó khăn của việc quản lý mã vạch hay QR Code hiện nay tại VN xuất phát từ các loại thực phẩm, nông sản tươi sống.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Cách làm mới, yêu cầu cũ- Ảnh 2.

Mã vạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa khó áp dụng với các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi sống

 
Đại diện Trung tâm mã số mã vạch quốc gia thừa nhận tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app (ứng dụng trên điện thoại) đang diễn ra khá phổ biến. Hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế mà thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ. Điều này dẫn đến quản lý khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau.

Giám đốc nhãn hàng riêng của một hệ thống siêu thị nhận định: "Việc đăng ký và áp dụng mã vạch theo quy định mới của Thông tư 02 có thể dễ với các ngành hàng chế biến hoặc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Còn đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống thì lâu nay các cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Cụ thể, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên, cạnh tranh tiêu thụ khó khăn. Ví dụ như rau đạt chuẩn Global GAP hay sản xuất theo hướng hữu cơ mà giá bán ngang bằng với giá rau "chưa sạch" thì làm sao cạnh tranh được?".

Tại cuộc hội thảo về phát triển chăn nuôi ngày 10.4 tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia hợp tác phát triển chăn nuôi của Đại sứ quán Đan Mạch tại VN, cũng chia sẻ: "Quy mô của ngành chăn nuôi VN rất lớn, đứng top 10 thế giới, top 5 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng điểm yếu nhất của ngành chính là truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi tiêu thụ. Hình thức giết mổ thủ công, truyền thống vẫn chiếm đa số; trong khi số lò giết mổ tập trung chiếm tỷ lệ thấp. Về mặt thị hiếu, mặc dù nhận thức của người tiêu dùng có tăng lên, nhưng phần lớn vùng quê, nông thôn vẫn mua bán ngoài chợ, vẫn ưa dùng thịt tươi, khó có thể quản lý được nguồn gốc xuất xứ.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều DN và họ đều vò đầu bứt tai nói rằng rất khó khăn. Trong bối cảnh người chăn nuôi phải chịu đựng thua lỗ thế này, làm sao có thể đầu tư tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường? Trong chuỗi liên kết này, DN đóng vai trò là nhà đầu tư, là tổ chức sản xuất, cần nâng cao vị thế và từ đó mới có các chính sách để hỗ trợ DN trong việc tổ chức sản xuất bền vững".