Ứng dụng công nghệ truy xuất trong sản xuất 4.0
Các công nghệ truy xuất nguồn gốc đang được ứng dụng dễ dàng với chi phí phải chăng nhờ có sự phát triển vượt bậc của các thành tựu trong sản xuất 4.0 như thiết bị IIoT, công nghệ tạo mã hiện đại,…Những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển này có thể kể tới như sản xuất ô tô, điện tử, linh kiện, thực phẩm,…
Tổng quan công nghệ truy xuất nguồn gốc
Công nghệ truy xuất nguồn gốc trong sản xuất 4.0 là một phần quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng các công nghệ số hóa để theo dõi và quản lý toàn bộ quá trình sản xuất từ nguồn gốc đến người tiêu dùng. Đây là một giải pháp quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, an toàn, chất lượng và bền vững trong chuỗi cung ứng.
Công nghệ truy xuất nguồn gốc có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất là sử dụng mã QR, mã vạch hoặc thẻ RFID. Các mã này được gắn vào nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra, và sau đó được quét bằng máy quét hoặc điện thoại thông minh. Thông tin từ các mã này được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu, và có thể được truy xuất bất cứ lúc nào.
Các công nghệ truy xuất nguồn gốc trong sản xuất 4.0
Công nghệ barcode, QR code, RFID, IoT và Blockchain đều là những công nghệ có thể được sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mỗi công nghệ có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nhưng khi được sử dụng kết hợp với nhau, chúng có thể tạo ra một hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện và hiệu quả.
1. Truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch, QR Code
Barcode và QR code được sử dụng rộng rãi trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt trong các ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm, quần áo và điện tử. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một mã barcode hoặc QR code chứa thông tin liên quan đến nguồn gốc, quá trình sản xuất và vận chuyển.
Nó sử dụng các mã vạch để lưu trữ thông tin về sản phẩm, chẳng hạn như tên sản phẩm, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất,... Mã vạch có thể được quét bằng máy quét barcode hay điện thoại thông minh để truy xuất thông tin về sản phẩm.
Ưu điểm của Barcode/QR Code:
- Chi phí thấp và dễ triển khai: Việc tạo ra mã barcode hoặc QR code và đọc chúng trên sản phẩm rất đơn giản và chi phí thấp.
- Sử dụng phổ biến: Các thiết bị đọc barcode và QR code phổ biến và dễ dàng tìm thấy trên thị trường.
- Thuận lợi trong công tác quản lý hàng hóa
Nhược điểm của Barcode/QR Code:
- Dung lượng thông tin hạn chế: Dung lượng lưu trữ thông tin trên mã barcode và QR code có giới hạn, không thể chứa quá nhiều dữ liệu phức tạp.
- Hạn chế trong thiết kế bởi có thể bị mờ, gãy, dứt trong quá trình sản phẩm được vận chuyển, va chạm,… khiến việc truy xuất không thể thực hiện được.
- Dễ bị sao chép: Barcode và QR code dễ bị sao chép và giả mạo nếu không được bảo mật cẩn thận.
2. Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification)
Công nghệ RFID là một công nghệ sử dụng sóng radio để truyền dữ liệu từ thẻ RFID đến máy đọc RFID. Thẻ RFID có thể được gắn vào sản phẩm để theo dõi vị trí và trạng thái của sản phẩm trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu kho.
RFID được sử dụng trong các sản phẩm và đối tượng cần theo dõi trong thời gian thực, như pallets, container, sản phẩm y tế, thẻ thông minh, và thậm chí trong chăn nuôi để theo dõi đàn vật nuôi.
Ưu điểm công nghệ RFID:
- Theo dõi thời gian thực: RFID cho phép theo dõi sản phẩm hoặc đối tượng trong thời gian thực, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và định vị vật phẩm.
- Tốc độ đọc cao: RFID có tốc độ đọc nhanh hơn so với việc quét barcode hoặc QR code, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình truy xuất (40 thẻ/giây).
- Thẻ có thể tái sử dụng 100.00 lần.
Nhược điểm công nghệ RFID:
- Chi phí đắt đỏ: Công nghệ RFID đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với barcode và QR code.
- Hạn chế phạm vi: Đối với RFID không có pin tích hợp, phạm vi hoạt động của các tag RFID bị giới hạn, yêu cầu phải có thiết bị đọc/gửi tín hiệu gần để truy xuất dữ liệu.
- việc sử dụng RFID cũng trở nên khó khăn hơn khi thiết bị có thể bị nhiễu sóng trong môi trường kim loại.
3. Công nghệ IoT (Internet of Things)
Công nghệ IoT là một hệ thống kết nối các thiết bị vật lý với nhau. Các thiết bị IoT có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về sản phẩm, chẳng hạn như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... Dữ liệu này có thể được sử dụng để theo dõi chất lượng sản phẩm và đảm bảo rằng sản phẩm được lưu trữ trong điều kiện thích hợp.
IoT được áp dụng trong việc kết nối các thiết bị, cảm biến và máy móc trong quá trình sản xuất để thu thập dữ liệu và giám sát hiệu suất sản xuất.
Ưu điểm của IoT:
- Giám sát và quản lý tự động: IoT cho phép giám sát và quản lý tự động toàn bộ quá trình sản xuất, giúp tăng tính hiệu quả và đáng tin cậy.
- Tối ưu hóa quy trình: Các dữ liệu thu thập từ IoT có thể được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện hiệu suất.
Nhược điểm của IoT:
- Bảo mật và riêng tư: Với việc kết nối đa dạng các thiết bị và dữ liệu, bảo mật và riêng tư có thể trở thành vấn đề phức tạp đối với IoT.
- Điều chỉnh công nghệ: Sử dụng IoT đòi hỏi điều chỉnh công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện có, đồng thời đào tạo nhân lực để sử dụng hiệu quả.
4. Blockchain
Công nghệ Blockchain là một công nghệ lưu trữ dữ liệu phân tán. Dữ liệu được lưu trữ trên nhiều máy tính trong một mạng blockchain. Điều này giúp dữ liệu được bảo mật và không thể thay đổi, giúp ghi lại toàn bộ lịch sử và thông tin về sản phẩm từ nguồn gốc đến tiêu dùng cuối cùng.
Ưu điểm công nghệ blockchain:
- Tính toàn vẹn và minh bạch: Thông tin truy xuất nguồn gốc trên blockchain không thể bị thay đổi hoặc xóa, đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch của dữ liệu.
- Bảo mật cao: Blockchain sử dụng mã hóa mạnh mẽ và cơ chế xác thực để đảm bảo bảo mật thông tin.
- Không cần trung gian: Khi sử dụng blockchain, hai bên trong một giao dịch có thể xác nhận và hoàn thành điều gì đó mà không cần làm việc thông qua bên thứ ba. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí thanh toán cho một đơn vị trung gian như ngân hàng.
Nhược điểm công nghệ blockchain:
- Chi phí triển khai: Triển khai và duy trì hệ thống blockchain đòi hỏi đầu tư kỹ thuật và tài chính đáng kể.
- Tốc độ giao dịch: Việc xác thực và đồng thuận trong blockchain có thể làm chậm tốc độ xử lý giao dịch so với một số hệ thống truy xuất thông thường.
- Khó khăn với việc cập nhật và sửa lỗi: Dữ liệu trên blockchain không thể thay đổi sau khi nó được thiết lập, vì vậy bắt buộc tất cả các thông tin ban đầu nhập vào hệ thống phải chính xác 100%.
- Chỉ dành cho những người có thể sử dụng công nghệ: Blockchain được biết đến là một công nghệ truy xuất nguồn gốc tiên tiến và hiện đại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chuỗi cung ứng, giám sát và quản lý kho hiệu quả đồng thời phòng chống vấn nạn hàng giả hàng nhái trên thị trường hiện nay. Trung tâm Tin học và Công nghệ (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đang triển khai giải pháp dán tem truy xuất, tem xác thực sản phẩm chính hãng QR Code trong thương mại điện tử tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/.
Doanh nghiệp có thể liên hệ ngay để được hỗ trợ:
Điện thoại: (024) 22202398
Email: info@truyxuat.gov.vn
Hoặc để lại thông tin tại form: https://truyxuat.gov.vn/ls/lien-he-c31.html